Lý do tại sao mọi người chọn ăn chay: Một khảo sát từ Việt Nam
[This post has been translated from English to Vietnamese. You can find the original post here. This translation was made possible with support from World Animal Protection courtesy of a grant from the Open Philanthropy Project.]
Ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy, các chế độ ăn chay có nhiều lợi ích, từ việc tăng cường sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người đến việc mở rộng các ngành công nghiệp thực phẩm và đóng góp vào các hệ thống lương thực bền vững. Ngày càng có nhiều người lựa chọn các chế độ ăn kiêng từ thực vật trên khắp thế giới.
Ví dụ, ở miền nam Việt Nam, chế độ ăn từ thực vật đang trở nên phổ biến hơn vì nhiều người dân ở đó có nền tảng Phật giáo, đề cao việc kiêng kị giết và ăn thịt động vật. Đất nước này cũng là một nơi thuận lợi để trồng rau củ và trái cây, làm cho việc tìm kiếm các loại thực phẩm tốt từ thực vật tại các nhà hàng và chợ trở nên dễ dàng và giá cả phải chăng. Mặc dù đã có rất nhiều tài liệu khẳng định chế độ ăn dựa trên thực vật tốt cho sức khỏe và hiệu quả trong việc ngăn ngừa một số bệnh, nhiều người vẫn cho rằng những chế độ ăn như vậy có tác động tiêu cực đến sức khỏe. Và đặc biệt ở Việt Nam, các tín ngưỡng văn hóa và khuôn mẫu truyền thống góp phần lớn vào sở thích sử dụng thịt trong bữa ăn của người dân.
Nghiên cứu này tập trung vào việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc người Việt Nam lựa chọn chế độ ăn từ thực vật bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu của bảng câu hỏi tại 10/19 tỉnh khu vực phía Nam. Trong nghiên cứu, chế độ ăn từ thực vật được định nghĩa là chế độ ăn chay “lacto-ovo”, bao gồm rau, các loại đậu, trái cây, ngũ cốc, hạt, quả hạch, các sản phẩm từ sữa và trứng. Các lý do được đưa ra trong nghiên cứu lần lượt là “mối quan tâm về sức khỏe”, “tâm linh”, “tình yêu đối với động vật”, “mối quan tâm về môi trường”, “kiến thức về chế độ ăn uống”, “sự phong phú của thực phẩm có nguồn gốc thực vật” (nhiều loại thực phẩm phong phú làm từ thực vật và sức hấp dẫn của món ăn), “các mối quan hệ xã hội”, “cách nhìn về cuộc sống” và “sự hiểu biết về cấu trúc cơ thể người” (công nhận sự tương đồng giữa cấu trúc cơ thể người và cấu trúc cơ thể của động vật ăn cỏ). Quan điểm về cuộc sống và sự hiểu biết về cấu trúc cơ thể con người là hai lý do mới được các tác giả đề xuất, trong khi những lý do khác được dựa trên các nghiên cứu liên quan và các tài liệu trước đó. Bên cạnh đó, các đặc điểm nhân khẩu học cũng được xem xét để tìm hiểu tác động đến việc lựa chọn thực phẩm làm từ thực vật.
Những kết quả từ mô hình phương trình cấu trúc cho thấy “sự hiểu biết về cấu trúc cơ thể con người” có tác động tích cực nhất đến việc lựa chọn thực phẩm chay, mặc dù hầu hết người Việt Nam không hoàn toàn đồng ý rằng chế độ ăn chay phù hợp cho con người. “Mối quan tâm về sức khỏe” và “sự phong phú của thực phẩm có nguồn gốc thực vật” lần lượt đứng thứ hai và thứ ba như những yếu tố quyết định trong lựa chọn chế độ ăn chay. “Kiến thức về chế độ ăn uống”, “tâm linh”, “tình yêu đối với động vật” và “quan điểm về cuộc sống” cũng có những tác động tích cực đáng kể đến việc lựa chọn thực phẩm chay. Tuy nhiên, “các mối quan hệ xã hội” có tác động tiêu cực đến việc lựa chọn chế độ ăn chay, bởi vì nó được xem là bất tiện trong các cuộc tụ tập xã hội với người quen hoặc đồng nghiệp. Lựa chọn “quan tâm đến môi trường” đã bị loại bỏ khỏi mô hình vì nó cho thấy tác động không đáng kể đến việc lựa chọn thực phẩm dựa trên thực vật.
Đối với đặc điểm nhân khẩu học, kết quả cho thấy phụ nữ có xu hướng lựa chọn thực phẩm chay nhiều hơn nam giới. Các tác giả giải thích nguyên nhân là do những khuôn mẫu phổ biến trong số các nam giới ở Việt Nam. Họ cho rằng chế độ ăn dựa trên thực vật không cung cấp đủ năng lượng cho các hoạt động hàng ngày, ảnh hưởng đến sự nam tính và các mối quan hệ kinh doanh và xã hội, vì họ không cho rằng các bữa ăn có nguồn gốc từ thực vật sẽ làm hài lòng đối tác. Về phương diện tình trạng hôn nhân, những người góa vợ/góa chồng chọn thực phẩm chay nhiều nhất và những người độc thân/ly hôn có xu hướng là nhóm ít có khả năng chọn chế độ ăn này nhất. Điều này được chứng minh bởi những người Việt Nam đã kết hôn thường căng thẳng hơn trong việc chu cấp cho gia đình, và những người góa vợ/góa chồng có xu hướng chọn ăn chay như một hình thức chữa lành tinh thần và củng cố đạo đức. Thu nhập hàng tháng ảnh hưởng không đáng kể đến việc lựa chọn chế độ ăn chay vì theo các tác giả, ở miền nam Việt Nam, các bữa ăn chay giá rẻ có thể được tiếp cận dễ dàng tại các địa điểm từ thiện. Tuổi tác và trình độ học vấn cũng có tác động không đáng kể đến việc lựa chọn chế độ ăn chay.
Đối với những người ủng hộ bảo vệ động vật, nghiên cứu này đưa ra những chỉ dấu thú vị về lý do tại sao người Việt chọn ăn chay, và xếp hạng những lý do này theo mức độ liên quan. Những người ủng hộ nên xem xét những yếu tố này và thảo luận về việc lựa chọn thực phẩm chay mang lại lợi ích cho cơ thể con người như thế nào từ góc độ sức khỏe. Tuy nhiên, những yếu tố như các mối quan hệ xã hội và khuôn mẫu cũng có tác động tiêu cực đáng kể đến sự lựa chọn ăn chay, điều này cho thấy sự cần thiết phải có nhiều biện pháp hỗ trợ xã hội hơn nữa. Biết được điều này, những người ủng hộ có lẽ sẽ muốn thúc đẩy việc thành lập các nhóm xã hội ăn chay để giúp làm giàu thêm các mối quan hệ xã hội và xóa bỏ một số khuôn mẫu.
https://doi.org/10.3390/su12093847
