Thống kê & Biểu đồ giết mổ động vật toàn cầu: Cập nhật năm 2020
[This post has been translated from English to Vietnamese. You can find the original post here. This translation was made possible with support from World Animal Protection courtesy of a grant from the Open Philanthropy Project.]
Gần hai năm trước, chúng tôi đã xuất bản một loạt các bài blog ghi lại số lượng động vật bị giết mổ để làm thực phẩm hàng năm dựa trên dữ liệu của Liên hợp quốc. Bài Blog này cung cấp một phiên bản cập nhật và cải tiến bằng cách sử dụng dữ liệu mới nhất bao gồm những số liệu trong hai năm bổ sung. Về mặt cải tiến, chúng tôi đã thêm thước đo cho loài cá, đồng thời giới thiệu một biểu đồ mới giúp hình dung dữ liệu tốt hơn và tổng hợp tất cả thông tin vào một bài đăng chứ không còn đăng một bài cho mỗi nhóm động vật như trước.
Nhóm động vật mà chúng tôi tập trung vào là bò, gà, lợn, cừu và cá. Dữ liệu về động vật trên cạn là một phần của cơ sở dữ liệu FAOSTAT của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) Trong khi đó, dữ liệu về cá được lấy từ cơ sở dữ liệu “Sản xuất toàn cầu dựa trên nguồn sản xuất từ năm 1950-2018”, có thể được tìm thấy trong FishStatJ, phần mềm đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản của FAO. Đối với động vật trên cạn, chúng tôi tập trung vào số lượng động vật bị giết mổ để lấy thịt. Trong cơ sở dữ liệu FAOSTAT, điều này tương ứng với mục “Thịt, {Nhóm động vật}”. Do đó, đơn vị cho động vật trên cạn cũng chính là số lượng động vật bị giết mổ. Trường hợp cho cá thì khác, cá được đo bằng trọng lượng sống (đơn vị thường là tấn hoặc kg). Để tránh nhầm lẫn, chúng tôi đã cho bao gồm một chuỗi thời gian riêng cho cá, có thể tìm thấy trong tab thứ hai ở các biểu đồ đường tương tác.
Cần chú ý là gà được tính bằng hàng nghìn con, và rõ ràng chúng là động vật trên cạn bị giết mổ nhiều nhất cho đến nay, tiếp theo là lợn, cừu và bò. Một lần nữa, cần lưu ý rằng chúng ta không thể so sánh số lượng cá bị giết mổ với số lượng động vật cạn bị giết mổ vì cá được sử dụng cho sản xuất được đo bằng trọng lượng sống – chúng ta sẽ phải ước tính trọng lượng cá sản xuất trung bình trên tất cả các loài. Tất cả các chuỗi thời gian tuyệt đối dường như đều có xu hướng tăng, mặc dù chuỗi thời gian của cá dường như đang đi ngang kể từ khoảng năm 1990. Người ta cho rằng những xu hướng tăng này là do sự gia tăng dân số, và ta có thể kiểm tra nhận định này bằng cách vẽ biểu đồ chuỗi thời gian theo đầu người.
Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng chỉ có gà và lợn là giữ được xu hướng gia tăng, còn cừu và bò hiện có xu hướng giảm rõ ràng. Trong khi đó, chuỗi thời gian của cá lần đầu tiên tăng lên, nhưng đã có xu hướng giảm ổn định kể từ năm 1990.
Chúng tôi nghĩ rằng có thể rất thú vị và đáng giá khi phân tích các chuỗi thời gian này để có được ý tưởng về những nơi mà các nhóm động vật khác nhau bị giết mổ nhiều nhất trên thế giới. Trong lần thử đầu tiên với kiểu phân tích này, chúng tôi đã vẽ một biểu đồ vùng xếp chồng lên nhau cho các lục địa khác nhau của mỗi nhóm động vật. Lưu ý rằng các nhóm động vật khác nhau có thể được tìm thấy trong các tab khác nhau của biểu đồ.
Chúng ta có thể quan sát thấy rằng đối với bò, số lượng bị giết mổ tuyệt đối đang giảm ở Châu Âu, nhưng đang tăng ở Châu Đại Dương, Châu Á, Châu Mỹ và Châu Phi. Về loài gà, n gày càng có nhiều gà bị giết thịt ở khắp các châu lục. Từ biểu đồ vùng xếp chồng cho lợn, chúng ta biết rằng sự gia tăng số lượng lợn bị giết mổ trên toàn thế giới chủ yếu là do mức tiêu thụ tăng rộng khắp ở Châu Á. Số lượng lợn bị giết mổ cũng tăng ở Châu Đại Dương, Châu Mỹ và Châu Phi, nhưng tương đối ổn định ở châu Âu. Nhìn vào số lượng cừu, chúng tôi nhận thấy số lượng cừu bị giết thịt ở Châu Á và Châu Phi tăng lên đáng kể, trong khi số lượng này dường như đang giảm ở Châu Đại Dương, Châu Âu và Châu Mỹ. Đáng chú ý là Châu Đại Dương chiếm một phần lớn lượng cừu bị giết thịt trên toàn thế giới dù đây là lục địa có ít dân cư nhất cho đến nay. Cuối cùng, khi xem xét cá, chúng tôi lại nhận thấy rằng có chiều hướng tăng chung trên toàn thế giới chủ yếu ở Châu Á. Dường như có một xu hướng tăng ở Châu Đại Dương và Châu Phi trong toàn bộ chuỗi thời gian, và một xu hướng giảm ở Châu Âu và Châu Mỹ kể từ khoảng năm 1990.
Sau khi quan sát rằng phần lớn các xu hướng trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi sự gia tăng số lượng động vật bị giết mổ ở Châu Á, cùng với thực tế là dân số Châu Á đã tăng nhiều nhất (về số lượng tuyệt đối), việc nghiên cứu kỹ lưỡng vùng xếp chồng theo đầu người trở nên rất cần thiết.
Nhìn vào biểu đồ vùng xếp chồng cho bò, chúng ta thấy rằng cho đến nay, số lượng bò bị giết thịt lớn nhất theo bình quân đầu người là ở Châu Đại Dương. Con số này đang giảm dần đối với tất cả các châu lục, ngoại trừ châu Á, nơi có mức tăng nhẹ. Từ biểu đồ gà, chúng ta biết rằng ở tất cả các châu lục, số lượng gà bị giết thịt trên mỗi người dân là nhiều hơn. Đáng chú ý là ở Châu Đại Dương, Châu Âu và Châu Mỹ, số lượng gà được giết mổ trên đầu người nhiều hơn ở Châu Á và Châu Phi. Xem xét biểu đồ về lợn, có thể thấy rõ ràng rằng sự đóng góp lớn của châu Á đối với sự gia tăng số lượng lợn giết mổ trên toàn thế giới thực sự là do sự gia tăng dân số của nó; số lượng lợn bị giết mổ cho người dân châu Á trung bình chỉ tăng nhẹ. Chuỗi thời gian cho Châu Đại Dương, Châu Âu và Châu Mỹ dường như khá ổn định và chuỗi thời gian cho Châu Phi có xu hướng tăng lên.
Kết luận tương tự về đóng góp của Châu Á đối với số lượng động vật bị giết thịt tuyệt đối có thể được đưa ra đối với cừu. Số lượng bình quân đầu người của Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ và Châu Phi bị lu mờ bởi Châu Đại Dương. Tất cả các châu lục dường như đều có xu hướng giảm trên đầu người ngoại trừ Châu Á.
Cuối cùng, chúng ta xem xét biểu đồ vùng xếp chồng của cá. Lượng cá bình quân đầu người được sử dụng cho sản xuất ở Châu Mỹ rất đáng chú ý: nó rất thất thường, trong khi ở các châu lục khác có xu hướng ổn định hơn. Chuỗi thời gian cho Châu Đại Dương, Châu Âu và Châu Á có xu hướng tăng nhẹ và chuỗi thời gian cho Châu Phi có vẻ ổn định.
Chúng ta có thể giải mã thêm cấu trúc của những chuỗi thời gian này bằng cách chia nhỏ các lục địa thành các quốc gia. Để mô tả sự phân bố số lượng động vật bị giết mổ ở các quốc gia khác nhau một cách rõ ràng nhất có thể, chúng tôi đã chọn sử dụng bản đồ tỷ lệ phần trăm tương tác.
Nó cho thấy rằng, các nước có số lượng bò và gà bị giết mổ nhiều nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Brazil. Liên quan đến lợn, cho đến nay chúng bị giết mổ nhiều nhất là ở Trung Quốc, tiếp theo là Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Việt Nam và Brazil. Nhìn vào biểu đồ tỷ lệ phần trăm của cừu, chúng ta lại thấy rằng Trung Quốc giết mổ nhiều cừu nhất, theo sau là Úc và New Zealand. Cuối cùng, số lượng (tính theo tấn) cá được sử dụng cho sản xuất cao nhất là ở Trung Quốc, Indonesia, Peru, Ấn Độ, Nga và Hoa Kỳ (theo thứ tự trình bày).
Một lần nữa, việc điều tra xem liệu các quốc gia có số lượng động vật giết mổ tuyệt đối cao cũng có số lượng động vật trên đầu người cao hay không trở nên rất thú vị. Do đó, chúng tôi vẽ lại một biểu đồ tương tự nhưng bây giờ điều chỉnh cho đúng với quy mô dân số.
Như chúng ta có thể thấy ở trên, các quốc gia có số lượng giết mổ tuyệt đối cao như Trung Quốc, Brazil và Hoa Kỳ dường như không hiện diện trong vấn đề mà chúng ta nói đến ở đây. Liên quan đến số lượng bò bị giết mổ, New Zealand có số lượng bình quân đầu người cao nhất: mỗi năm có khoảng gần một con bò bị giết thịt cho mỗi người dân. Theo sau New Zealand là Uruguay, Ireland và Australia. Quốc gia giết mổ nhiều gà nhất tính theo đầu người là Israel, tiếp theo là Brunei, Mauritius và Belarus. Số lượng lợn được giết mổ nhiều nhất trên đầu người là ở Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan (theo thứ tự liệt kê). Bản đồ tỷ lệ phần trăm trên đầu người cho cừu và cá chiếm phần lớn là Quần đảo Falkland. Các quốc gia khác có số lượng cừu bị giết thịt trên đầu người cao là New Zealand, Mông Cổ và Iceland. Greenland, Iceland và Kiribati là những quốc gia có sản lượng cá bình quân đầu người lớn.
Một nhược điểm của việc sử dụng các biểu đồ phần trăm này là chúng chủ yếu mang đến một ý tưởng tốt về phần đầu và cuối của sự phân bố của các quốc gia. Do đó, chúng tôi cũng bao gồm các biểu đồ bản đồ thế giới tương tác (số lượng tuyệt đối và bình quân đầu người) để người đọc có thể dễ dàng tìm thấy dữ liệu cho một quốc gia cụ thể. Người ta cũng có thể di chuột qua phần phân phối có chú giải để xem những quốc gia nào nằm trong phần phân phối cụ thể đó.
FAO là tổ chức duy nhất có thể cung cấp số liệu thống kê quy mô toàn cầu về nông nghiệp động vật, nhưng một số người ủng hộ đã đưa ra những câu hỏi xác đáng về tính chính xác tổng thể của số liệu thống kê của họ. Một bài phê bình về số liệu thống kê của FAO có thể được tìm thấy tại đây. Tuy nhiên, khi thảo luận về giết mổ toàn cầu, khó có thể có được dữ liệu chính thức đáng tin cậy. Nhìn chung, những con số này cung cấp cho những người ủng hộ một bức tranh dọc tương đối vững chắc về số lượng động vật đã được tiêu thụ trên khắp thế giới trong 60 năm qua hoặc lâu hơn, và xu hướng chung của các hình thức tiêu thụ. Thông tin này có thể được sử dụng theo vô số cách khác nhau để cung cấp cho các chiến dịch vận động, từ các chiến dịch địa phương, khu vực, và cho đến các nỗ lực toàn cầu rộng lớn hơn.